SỐNG TẠI BÌNH PHƯỚC, ĐI CHỢ Ở LÂM ĐỒNG
BP - Đăng Hà là xã vùng sâu, xa, có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, nằm tách biệt với các xã khác của huyện Bù Đăng bởi dốc 5 cây hiểm trở. Xã có 82% số dân là người dân tộc thiểu số, kinh tế phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Điều kiện như vậy, cộng với cơ sở hạ tầng của xã chưa được quan tâm đầu tư đúng mức khiến đời sống người dân vốn đã khó lại càng khó khăn thêm.
Đăng Hà có 1.588 hộ với 7.701 người sinh sống tại 6 thôn, trong đó thôn 1, 2 tiếp giáp với Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, các thôn còn lại tiếp giáp với xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và các xã Phước Cát 1, Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. “Làm việc ở Bình Phước, ngủ ở Đồng Nai và tiêu tiền ở Lâm Đồng” - câu nói thường trực, cũng là thực trạng của cán bộ và người dân Đăng Hà hàng chục năm qua.
SẢN XUẤT VẪN CHỈ “NHỜ TRỜI”
Về Đăng Hà, đi khắp các đồng lúa từ thôn 1 đến thôn 6, điều ai cũng dễ dàng nhận thấy là mùa vụ hầu như không theo trình tự mà phụ thuộc vào địa thế với khung cảnh đa sắc màu. Ở những vùng đất trũng, đủ nước tưới cây lúa xanh tốt, trong đó có ruộng lúa đã trổ đòng báo hiệu vụ mùa bội thu. Cạnh đó là vùng đất cằn, nông cạn, cây lúa còi cọc yếu ớt, chuyển màu vàng nhạt. Đan xen là những ruộng đất hoang do không đủ nước tưới nên người dân dùng để chăn trâu, bò hoặc trồng hoa màu. Anh Đoàn Văn Hướng ở tổ 4, thôn 1 cho biết: Gia đình tôi vào ở đây từ năm 1996, sinh sống bằng nghề trồng lúa. Với 1 ha đất, mỗi năm gia đình trồng 2 vụ, do phụ thuộc thời tiết nên năng suất lúa không ổn định. Nếu thuận lợi, năng suất có thể đạt 4-6 tấn/ha, còn không thì mất trắng. Bình thường, nếu có nước chúng tôi gieo lúa vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 và thu hoạch trước mùa mưa lũ là hợp lý nhất, nhưng năm nay do hạn hán kéo dài nên mãi cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi mưa xuống mới gieo. Bởi thế năng suất năm nay chắc chắn sẽ giảm, do thời điểm lúa trổ đòng vào dịp mưa lũ khiến cây khó thụ phấn. Mặt khác, lúa gieo muộn, xuất hiện nhiều sâu bệnh, côn trùng, chim, chuột phá hoại.
Thu nhập chính của người dân xã Đăng Hà là cây lúa nhưng hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập (ảnh lớn). Người dân ở thôn 1 hoang mang, lo lắng vì không biết tương lai sẽ như thế nào (ảnh nhỏ)
Cùng ở tổ 4, thôn 1 nhưng 1 ha đất của gia đình chị Nùng Thị Viễn, thuộc nhóm đất trồng lúa nhưng lại chỉ trồng được... điều. Chị Viễn cho biết: Trước đây gia đình đã vài lần trồng lúa nhưng mất trắng do thiếu nước tưới. Để đất hoang thì tiếc nên gia đình trồng điều cao sản. Tuy nhiên, do đất bạc màu, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa cộng với sương muối nhiều nên chỉ thu được từ 2-3 tạ/năm. Trồng lúa thiếu nước tưới, trồng điều không phù hợp, gia đình chị chán nản không còn động lực chăm sóc mà để cỏ mọc phục vụ chăn nuôi gia súc. Đó là lý do chính khiến gia đình chị Viễn là hộ “nghèo bền vững” hàng chục năm qua.
“Thôn có 276 hộ, phần lớn đều sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Tuy nhiên hạn hán, lũ lụt liên tục “ghé thăm” nên mất mùa thường xuyên. Người dân còn có cây điều và chăn nuôi để “cứu cánh”, nếu không thì thiếu ăn” - Trưởng thôn 1 Triệu Văn Tích nói.
CÓ MÁY BƠM NHƯNG “KHÓ” TIỀN ĐIỆN
Phó chủ tịch UBND xã Đăng Hà Lê Quang Hiện cho biết: Nguồn thu nhập chủ lực của người dân Đăng Hà là cây lúa nước với 800 ha. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập. Tại các thôn 1, 2 và thôn 5, 6 có khoảng 600 ha đất trồng lúa nhưng hầu như chưa có bất kỳ công trình thủy lợi nào được đầu tư xây dựng. Hạn hán vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa là thực trạng xảy ra thường xuyên hàng chục năm qua ở xã. Để đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa và cứu đàn gia súc, người dân đã tự đắp những con đê nhỏ ngăn nước nhưng lượng nước rất khiêm tốn. Ở thôn 4 đã có trạm bơm nước từ năm 2010 nhưng chưa phát huy hết tác dụng. Nước được lấy từ sông Đồng Nai cung cấp cho hơn 70 ha lúa của hai thôn 3 và 4 vào mùa khô nên mỗi năm người dân trồng được 3 vụ. Tuy nhiên, do tiền điện quá cao, trong khi chưa quy định rạch ròi ai là người chi trả số tiền này nên trạm bơm thường không hoạt động. Chính quyền xã, Công ty Thủy nông Bình Phước (đơn vị quản lý trạm bơm) và người dân đã từng ngồi lại với nhau bàn bạc nhưng chưa có tiếng nói chung.
Ngoài cây lúa, điều được xem là cây trồng “xóa đói giảm nghèo” ở Đăng Hà với 1.240 ha. Nhưng do sương muối nhiều cộng với chất đất không phù hợp nên năng suất bình quân chỉ đạt 600kg/ha. Thế mạnh của xã là chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích đồng cỏ thu hẹp dần nên cũng khó phát triển.
“Địa hình của xã phần lớn là đồi núi cao, dốc, đất bạc màu, trong khi thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, sương muối quanh năm dẫn đến năng suất cây trồng thấp. Để ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người dân, rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, nhất là đắp đê ngăn đập tại các thôn 2 và 5, 6 để chủ động nước tưới vào mùa khô cho dân” - Phó chủ tịch UBND xã Lê Quang Hiện kiến nghị.
CHƯA BIẾT KHI NÀO CÓ CHỢ!
Đăng Hà cách trung tâm xã Thống Nhất gần 30km và trung tâm huyện Bù Đăng hơn 50km, nhưng đến nay xã vẫn chưa có chợ hay bất kỳ trung tâm dịch vụ mua bán nào. Dọc tuyến đường trục xã, các hoạt động trao đổi, mua bán, giao thương của người dân đìu hiu, vắng vẻ. Sau 1 buổi làm việc mệt nhoài, gần 12 giờ trưa, tôi chạy vòng quanh khu vực trung tâm xã để tìm quán cơm bụi nhưng vô vọng. “Chú muốn tìm quán ăn thì đi khoảng 500m nữa qua cầu Phước Cát, sang xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên mới có, còn ở đây thì thua rồi. Người dân nơi đây còn nghèo, bán quán ăn vắng khách nên không ai bán đâu!” - một người dân ở ngay ngã ba trung tâm xã cho biết.
Đăng Hà hôm nay giao thông đã thuận lợi hơn nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội
Theo chỉ dẫn của người dân, tôi qua cầu Phước Cát sang xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Sát vách với UBND xã Đăng Hà, nhưng ở đây thực sự là một đô thị sầm uất với đầy đủ dịch vụ, lượng người qua lại đông đúc, tấp nập. Phó chủ tịch UBND xã Lê Quang Hiện cho rằng đây là vấn đề mà các thế hệ cán bộ lãnh đạo xã trăn trở hàng chục năm qua và đến nay vẫn là bài toán khó chưa có lời giải. Khu trung tâm thương mại xã được quy hoạch từ lâu với diện tích 6,7 ha, gồm chợ, khu dân cư, khu vui chơi giải trí và là một trong những chương trình đột phá trong thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện Bù Đăng nhiệm kỳ 2010-2015, nhưng đến nay vẫn còn trên giấy. Nguyên nhân, theo ông Hiện là do điều kiện kinh tế của xã còn nhiều khó khăn, dân sống rải rác, giao thông chưa phát triển nên khó kêu gọi xã hội hóa và cũng không ai “dại” gì bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư vào đây, vì biết đến khi nào thu hồi được vốn. Vì vậy, trước mắt cần sự đầu tư vốn của nhà nước.
Đến nay, ngoài một số cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ thì trên địa bàn chỉ có duy nhất doanh nghiệp bóc tách hạt điều hoạt động, thu hút khoảng 50 lao động. Điều đó cho thấy khó khăn của xã ở mức nào. “Xã có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất huyện Bù Đăng nhưng lại mang thương hiệu Cát Tiên. Vì chưa có nơi thu mua nên sau mỗi vụ thu hoạch lúa ngoài để ăn thì người dân đem hết sang xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên bán” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Ngọc Lưu than thở.
Con đường huyết mạch kết nối giữa người dân các huyện, thị trong tỉnh với người dân xã Đăng Hà là tuyến ngã ba Sao Bọng - Đăng Hà dài 34km. Sau nhiều năm khốn khổ vật lộn với con đường đã hư hỏng, xuống cấp, năm 2015, người dân trong vùng vui như mở cờ trong bụng khi chứng kiến tỉnh khởi công đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện 8km ở khu vực dốc 5 cây hiểm trở nhất vẫn còn bỏ ngỏ. Giao thông cách trở là nguyên nhân chính khiến mọi hoạt động buôn bán, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe của người dân Đăng Hà phần lớn diễn ra trên địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Và vì thế, “Làm việc ở Bình Phước, tiêu tiền ở Lâm Đồng” dần trở thành câu nói thường trực của cán bộ và người dân Đăng Hà hàng chục năm qua.
Vũ Thuyên